Bạn là con gà hay con công?

Bạn sẽ chọn hướng đi nào cho cuộc đời của mình? Hãy để con người trong bạn lên tiếng, đừng tự huyễn hoặc mình để cả đời sau phải trả giá vì lỡ trút bỏ xiêm y của “con gà” để mong ước trở thành “con Công”, vì "con gà" cũng có giá trị và nét đẹp của riêng nó.
1. Cuộc sống càng đơn giản khi vốn sống càng dày hơn
Tôi dùng từ vốn sống, chứ không phải là thời gian sống hay sự trải nghiệm, bởi không phải ai hiện diện trên trái đất này sớm cũng hiểu sự vận động của sự vật, hiện tượng hơn người đi sau.
Người có nhiều sự trải nghiệm cũng không chắc "ngộ" nhiều hơn người có ít sự trải nghiệm, vì điều quan trọng ở chữ "ngộ" đó là việc chuyển hoá được từ kinh nghiệm thành "vốn", chứ không sẽ cứ mãi lơ lửng với nhận thức và những định kiến sẵn có của mình.
Tôi nhận thấy rằng, khi người ta càng hiểu được những quy luật của tự nhiên thì người ta càng có xu hướng quay lại những giá trị truyền thống và nhu cầu về cuộc sống càng giản đơn hơn.
Ngày nay, đa phần chúng ta đều mong có một vị trí nào đó trong xã hội, được thưởng thức những món ăn ngon, ngồi xe đẹp và nhà hàng sang…
Nhưng những người thành công thực sự trong cuộc sống thì họ lại thích những món ăn đơn giản ở nhà, hoặc ở một nơi nào đó không nhiều người để có không gian nói chuyện với bạn bè của họ.
Họ thích sử dụng những chiếc xe hơi bình thường và chịu khó đi xe đạp nhiều hơn. Họ cũng không cần tiếng tăm hay vị trí cao trong xã hội mà họ cần những công việc thực sự mang lại thu nhập chính đáng.
2. Và hướng đi nào cho bản thân?
Ngày nay, chúng ta thường lao vào công việc với một nhiệt huyết rất lớn, cùng một niềm tin đủ dùng, nhưng hiệu quả thu về lại không cao và luôn phải trăn trở với câu hỏi “Tôi là ai?”.
Thời gian qua, tôi thấy xuất hiện rất nhiều khóa đào tạo về tư duy triệu phú trên internet, rồi tôi cũng gặp khá nhiều người làm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, họ vẽ cho tôi một tương lai xán lạn khi trưng ra hàng loạt những triệu phú sau một vài năm hoạt động. Tôi tin những người đó là có thật và họ thực sự giỏi, họ xứng đáng đứng vào đội ngũ triệu phú, thậm chí là tỷ phú khi đã xây dựng quanh mình một đội ngũ leader ở tầng trên có tư duy.
Nhưng liệu “con gà” nào cũng hóa được thành Công khi mạnh dạn trút bỏ xiêm y “con gà” đã khoác lên mình suốt bao năm tháng qua? Mong ước lớn, nhưng hành động nhỏ, chúng ta phải đi thuyết phục từng người, sử dụng mối quan hệ của từng cá nhân, thì liệu rằng chúng ta có thể là những triệu phú?
Tôi nhận thấy rằng, khi ta chưa có một tầm tư duy đủ lớn, thì một công việc và một suy nghĩ về việc nhặt nhạnh để “kiếm tiền lẻ” sẽ luôn bám rễ lấy hành động của chúng ta. Khi từ “duyên” và “ngộ” chưa đến, thì điều đó ắt chưa thể thay đổi.
Trong khi đó, những triệu phú thực sự đang ngồi với nhau để nghĩ cách đưa ra những chính sách nhằm khai thác những thị trường mới còn nhiều tiềm năng phát triển.
Mới thấy rằng, chìa khóa để mở ra con đường thành công là hãy nghĩ lớn và đi khơi mở thị trường, chứ không phải quanh quẩn trong những mối quan hệ của mình hay thị trường hiện tại, bởi nó đã bị cày nát bởi những người đi trước.
Chúng ta luôn nghĩ đến việc phải có vị trí cao trong xã hội, hay phải là doanh nhân thì mới được gọi là thành công. Nhưng ngày nay, sự hội nhập đã khiến cho suy nghĩ đó trở nên lạc hậu khi giám đốc hay thậm chí là Chủ tịch HĐQT cũng chỉ là người làm thuê.
Đã biết bao bạn trẻ thấy những doanh nhân đi trước thành công, nên nuôi mộng tưởng làm giàu và thành lập doanh nghiệp riêng cho bản thân mình. Nhưng các bạn không biết rằng, những khẩu hiệu hay không thể bù đắp cho sự thiếu thốn về kinh nghiệm, nhân lực, nguồn vốn,… và đặc biệt là những ý tưởng hữu ích. Sự sụp đổ khi đó là tất yếu như một quy luật không thể khác hơn. Vậy hướng đi nào cho chúng ta?
3. Hai con đường
Sự hội nhập mang tới cho chúng ta rất nhiều cơ hội, nhưng dù là như thế nào thì tựu chung lại, chúng ta cũng chỉ có 2 con đường để đi tới.
Khi tư duy của chúng ta chưa đủ lớn, chưa có được nhân duyên thì chúng ta hãy cần mẫn theo con đường làm thuê, chúng ta vẫn có thể có một cuộc sống thực sự tốt khi là một người giỏi chuyên môn, hay là một nhà quản lý thành công (ngày nay, khoảng cách thu nhập của hai người này đã được thu hẹp và cũng ở mức khá cao).
Giống như việc các bạn đến với công ty đa cấp thì các bạn phải định hình được là mình đã hội tụ đủ duyên để trở thành nhà phân phối không, hay sẽ chỉ là những người tiêu dùng vì sản phẩm đó thực sự tốt.
Con đường thứ hai là hãy làm chủ tư duy và gia nhập vào đội ngũ ông chủ nếu bạn có đủ cơ duyên giác ngộ được sự vận động của vũ trụ và vạn vật. Những người siêu việt (tôi gọi là tỷ phú) có thể xây dựng một hệ thống, một công ty thực sự có giá trị để làm giàu cho bản thân, những người kém hơn thì có thể là nhà đầu tư, tham gia góp vốn, xây dựng hệ thống (tôi gọi là hội đồng triệu phú).
Người đứng đầu như là mặt trời, còn những người phía sau như ánh hào quang tỏa ra tứ phía, đốt cháy vạn vật xung quanh. Khi đó, dù bạn có là mặt trời hay vầng thái dương thì cả thiên hạ sẽ tưởng thưởng cho bạn vì một sự thực là thiên hạ đó đang sống là nhờ những tia nắng mà các bạn đem lại.
Bạn sẽ chọn hướng đi nào cho cuộc đời của mình? Hãy để con người trong bạn lên tiếng, đừng tự huyễn hoặc mình để cả đời sau phải trả giá vì lỡ trút bỏ xiêm y của “con gà” để mong ước trở thành “con Công”, trong khi "con gà" cũng có giá trị và nét đẹp của riêng nó.
Nhưng bạn cũng đừng hạ thấp ước mơ của mình, vì chỉ những người không ngừng mơ ước và biết đốt cháy khát vọng mới có thể thay đổi thế giới.
Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013
Posted by Unknown

Bà Đàm Bích Thủy chính thức làm Tổng giám đốc VIB

Ngân hàng Quốc tế (VIB)  chính thức công bố Tổng giám đốc mới là cựu CEO ANZ Việt Nam và khu vực Mekong, bà Đàm Bích Thủy.
Như vậy, VIB đã chính thức có TGĐ sau hơn 4 tháng nguyên tổng giám đốc Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm và chuyển sang công tác tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritimebank).

Sau khi bà Hoa từ nhiệm, HĐQT VIB đã bổ nhiệm ông Lê Quang Trung, từ vị trí Phó Tổng giám đốc, Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối lên nắm giữ chức Quyền Tổng giám đốc.

Thông tin bà Thủy về làm CEO tại VIB cũng đã có từ hồi trung tuần tháng 3. Các nguồn tin khi đó cho rằng, trong tháng 4/2013, bà Đàm Bích Thủy sẽ chính thức nhậm chức tại VIB, sau khi được sự chấp thuận của phía Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi việc mới ngã ngũ.
Trước khi gia nhập VIB, bà Đàm Bích Thủy là Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam và khu vực Mekong từ năm 2005. đến năm 2011; từ tháng 7/2011, bà giữ chức vụ Phó Chủ tịch ANZ khu vực Mekong.
Trong thời gian làm việc tại ANZ, bà Thủy được lãnh đạo ANZ toàn cầu đánh giá cao bởi những đóng góp tích cực của chị cho sự phát triển của ANZ tại Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bà Đàm Bích Thủy tốt nghiệp Thạc sỹ quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính tại trường Đại học Wharton (Mỹ) theo học bổng Fullbright năm 1994 và hoàn thành chương trình quản trị cao cấp tại trường Kinh doanh Harvard năm 2010.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, (ngày 3/6), trên website của Ngân hàng Quốc tế (tại địa chỉ vib.com.vn), thông tin về Ban lãnh đạo Ngân hàng (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành) vẫn chưa có thông tin về bà Đàm Bích Thủy. Tham khảo: huongnghiep24h.net
Posted by Unknown

Ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013 (VBF 2013) diễn ra sáng nay, 3/6 tại Hà Nội. Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn ghi nhận ý kiến của một số nhà quản trị, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam về quá trình cổ phần hóa, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế
- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Bất chấp các khó khăn, trong năm vừa qua, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy một tinh thần kinh doanh kiên cường của các doanh nghiệp.
Tinh thần kinh doanh này rất đáng tự hào và cần được tiếp tục nuôi dưỡng. Cách nuôi dưỡng tốt nhất là phải có nền kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, các chính sách, thủ tục hành chính thuận tiện, thân thiện với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt, song không bền vững.
Những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu đến từ những vấn đề nội tại. Do vậy, Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn.


Minh bạch trong cổ phần hóa để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập
Ông Kim Jung In, Chủ tịch Korcham
Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế ở Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho khối tư nhân, Chính phủ cần tiếp tục cam kết xúc tiến quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với những biện pháp quyết liệt.
Đặc biệt, vì nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần của DNNN, nên quá trình này cần phải rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần tiến hành tái cơ cấu ngành ngân hàng theo lộ trình, để tránh việc các ngân hàng thương mại trong nước rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tái cơ cấu DNNN và ngành ngân hàng phải thực hiện đồng thời. Tham khảo thêm: huongnghiep24h.net
Posted by Unknown

Nghĩ nhanh, đi nhanh, tiến chắc

Trẻ, tất nhiên rồi, vì Nguyễn Văn Khoa mới 36 tuổi. Thậm chí, có thể là quá trẻ để ngồi vào cương vị Tổng giám đốc của FPT Telecom, đơn vị mà năm 2012 vừa qua, đã đạt lợi nhuận cao nhất Tập đoàn FPT, với 685 tỷ đồng. Nhưng, đó là sức trẻ và sự xông xáo cần thiết để có thể làm lãnh đạo trong một ngành kinh doanh đầy tính sáng tạo, mà chỉ cần đi chậm một nhịp, đã có thể bị bỏ lại phía sau.


1. Là tôi thấy Khoa trẻ, ít ra là so với hình dung của mình trước khi gặp anh. Chứ Khoa bảo, anh không hề trẻ để ngồi vào chiếc ghế CEO của FPT Telecom, từ ngày 1/1/2012. Vì anh đã “trót” lấy vợ từ năm 26 tuổi, “trót” gắn bó cả một thời trai trẻ ở FPT. Và trước khi chính thức nhận chức Tổng giám đốc của FPT Telecom, đã có một thời gian làm Phó tổng giám đốc thường trực. “Một công ty chuyên về công nghệ viễn thông, thì cần những người điều hành trẻ, xông xáo, bản lĩnh”, Khoa nói thế.
Khoa biết FPT từ năm 1997, khi đang là sinh viên năm thứ hai, Khoa Du lịch của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), và khi FPT đang rất “nổi” với mạng Trí tuệ Việt Nam. Biết, mê, rồi xin đến làm việc bằng được.
Lúc đầu là làm bán thời gian, như một nhân viên kỹ thuật “nửa mùa”, ngoài giờ học trên lớp, thì suốt ngày rong ruổi xe máy khắp Hà Nội để cài đặt mạng cho khách hàng. Cuối năm 1997, khi Việt Nam bắt đầu có mạng Internet, Khoa lại cùng các đồng sự mày mò, tìm tòi để phát triển.
“Tôi có may mắn được làm việc cùng và học hỏi những ‘người thầy’ giỏi. Người cho tôi biết về kỹ thuật, người dạy kinh doanh, người bày cách quản trị”, Nguyễn Văn Khoa kể thế và bảo, cũng xác định, các bạn sinh viên khác phải mất 5 năm trên ghế nhà trường để học về công nghệ, Khoa cũng sẽ “chi” 5 năm của cuộc đời mình để học ở “trường FPT”.
Có điều, Khoa vừa học, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Học trái nghề, nên Khoa biết, chẳng có cách nào khác là phải tự học hỏi, phải làm việc thật nhiều. Làm từ sáng đến 12 giờ đêm, có khi ngủ lại ở công ty. Người khác, chỉ cần làm đủ 8 tiếng một ngày, mình thì cần nhiều hơn. Cứ tâm niệm rằng, mình làm 8-10 tiếng một ngày trong nhiều năm, thì sẽ làm và học được nhiều hơn họ.
Cần cù, chăm chỉ thế, nên năm 2003, có thể nói, Khoa đã “tốt nghiệp trường FPT”, chậm hơn 4 năm so với lần tốt nghiệp đại học thứ nhất, năm 1999. Lúc ấy, cũng đã trải qua 5 năm kinh qua đủ vị trí trong FPT Telecom, từ nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, rồi nhân viên kinh doanh, trưởng phòng, nên cùng với “lễ tốt nghiệp”, Khoa được tin tưởng giao phó làm Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng của FPT Telecom.
“Khi ấy, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL. Và tôi, một ‘anh’ hoàn toàn ngoài ngành đã được giao nhiệm vụ ấy. Nhưng thực ra, sau 5 năm ăn, ngủ và làm việc cật lực, say mê với FPT, tôi đủ tự tin về mặt kỹ thuật. Cái thiếu, chỉ là con người. Tôi phải tìm người hỗ trợ và rất may, rất đông người ủng hộ”.
Có người ủng hộ, nên ADSL của FPT chỉ 6 tháng sau gần như đã phủ khắp Hà Nội. Những trạm thu phát sóng, nhìn chẳng khác nào chiếc chuồng gà, nhưng có sứ mạng thật vĩ đại và có lẽ, khi ấy, là một cuộc “cách mạng” đối với dịch vụ cung cấp ADSL ở Việt Nam.
Vượt qua được cái “ngưỡng” quan trọng nhất, Khoa cứ từ từ thẳng tiến. Muốn có tầm nhìn rộng hơn, Khoa xa Hà Nội, tới phát triển thị trường mới ở Hải Phòng, rồi TP.HCM, 2 năm sau lại sang Campuchia… Khoa đi miết, lang thang khắp mọi xó xỉnh, ngóc ngách của các thị trường mới để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cấp khả năng cung cấp dịch vụ. Đi nhiều đến nỗi, hồi năm 2003, khi cưới vợ, Khoa chỉ kịp về nhà trước lễ cưới 3 ngày.
Khoa là thế. Đã muốn làm gì là quyết tâm làm bằng được, với sự say mê, sức làm việc không mệt mỏi. Những đồng nghiệp của Khoa trong FPT đã nhận xét về anh như vậy. Còn Khoa bảo, đó cũng là bài học mà anh học được từ người thầy Trương Đình Anh, rằng muốn làm gì thì phải tập trung sức lực làm tới cùng, không được từ bỏ.
2.
Không bao giờ được từ bỏ, nên tính đến nay, Nguyễn Văn Khoa đã có 16 năm làm việc ở FPT, trải qua gần như hầu hết các vị trí ở FPT Telecom. Cũng vì vậy mà anh hiểu rõ Công ty đến từng chân tơ kẽ tóc, từ con người, đến mô hình hoạt động…, rất thuận lợi khi ngồi vào “chiếc ghế nóng” ở FPT Telecom.
Cũng phải, 16 năm ở FPT và có lẽ, sẽ còn lâu hơn nữa, khi trọng trách hiện thời của anh là gánh vác FPT Telecom, với gần 5.000 nhân viên. Nếu đến FPT vì cái duyên, vì sự may mắn, thì Khoa ở lại FPT là vì sự đam mê, sự gắn bó dường như là máu thịt với các đồng nghiệp của mình. Vì ở FPT có môi trường làm việc tuyệt vời, nơi mà mọi người đều có thể khẳng định năng lực và cái tôi cá nhân của mình.
Khoa kể, từ ngày anh lên làm Tổng giám đốc FPT Telecom, điều lớn nhất mà anh làm được có lẽ là giúp cán bộ, nhân viên có được sự cân bằng cần thiết trong kinh doanh, để họ biết lùi lại phía sau và nhận rõ mọi cơ hội, thách thức, cũng như những rủi ro mà mình sẽ phải đối mặt.
“Kết quả kinh doanh thành công của năm qua là sự kế thừa của những năm trước. Cái được lớn nhất của tôi kể từ khi làm Tổng giám đốc FPT Telecom là như vậy: xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên kết nối chặt chẽ hơn, một sự kết nối theo kiểu tầng tầng, lớp lớp để mang lại sức mạnh cho Công ty”, Nguyễn Văn Khoa nói và kể rằng, khi bắt đầu nhận chức, anh đã đưa ra hai sự lựa chọn: một là tập trung cho kinh doanh, cho kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, hai là phát triển tổ chức.
Phương án thứ hai được lựa chọn, để dù doanh thu, lợi nhuận có thể chậm hơn, nhưng lại bền vững hơn. Nói là vậy, nhưng thực tế, năm 2012 vừa qua, FPT Telecom vẫn có lợi nhuận cao nhất Tập đoàn. Và tất nhiên, vai trò của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa là không nhỏ.
Luôn hiểu mình là một “leadership”, là người đứng đầu, người ra các quyết định, ở FPT - yếu tố này cực kỳ được coi trọng, nhưng Khoa bảo, anh chỉ như chiếc “cầu sau của xe cải tiến”. Nghĩa là anh muốn lùi lại đằng sau để giúp đồng nghiệp của mình phát triển một cách nhanh nhất.
“Nếu tôi ở phía sau, có người đi lệch, tôi sẽ biết để điều chỉnh. Tôi cũng muốn lùi lại phía sau, để tạo một không gian làm việc thật rộng lớn cho nhân viên, để họ có mọi cơ hội để phát triển”, Khoa cười nhẹ.
Hóa ra, Khoa không… trẻ như tôi nghĩ. Ở anh có một sự điềm tĩnh đến kỳ lạ, mà ở vào tuổi của mình, không mấy người có được. Càng lạ hơn, khi Khoa nói, điểm nổi trội nhất của anh chính là khả năng thỏa hiệp. Thực ra, tôi không thích hai chữ “thỏa hiệp”. Nói đúng hơn, theo cách nghĩ của tôi, đó là khả năng dẫn dắt, đoàn kết mọi người trong Công ty, khả năng thuyết phục mọi người cùng đồng tâm nhất trí theo đuổi chiến lược phát triển của FPT.
3.
Năm 2012, FPT Telecom giữ vị trí là đơn vị có lợi nhuận cao nhất Tập đoàn, với 685 tỷ đồng. Còn năm nay, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận là 4.500 tỷ đồng và 855 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm, FPT đã đạt 115% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Âu cũng là một sự khởi đầu cho những thành công của năm thứ hai, Nguyễn Văn Khoa giữ cương vị CEO của FPT Telecom.
Nhưng anh bảo, ấp ủ của anh còn nhiều lắm. Trong chiến lược toàn cầu hóa, ngày 13/6 tới đây, FPT Telecom sẽ mở thêm chi nhánh thứ 4 ở Xiêm Riệp, sau đó là tháng 8, với chi nhánh ở Sihanoukville (Campuchia). Có mặt ở 5 thành phố chính của Campuchia rồi, FTP Telecom sẽ “đi sâu, đánh chắc”, “thâm canh” thị trường đầy tiềm năng này, gia tăng nhiều dịch vụ cho khách hàng.
Sau Campuchia, trong chiến lược của mình, FPT Telecom còn hướng đến Lào, Myanmar, Bangladesh và một số thị trường Nam Mỹ khác. Chiến lược đã có, mọi thứ đã sẵn sàng, cái cần bây giờ là chuẩn bị cho nghiên cứu và phát triển, cho nguồn lực…
“Vậy sớm nhất là bao giờ, FPT Telecom có thể vươn sang nước khác?”. Đặt câu hỏi thế, nghĩ rằng con số cũng ít nhất là 1 năm, nhưng Khoa bảo, chỉ 3 tháng thôi. “Nhanh thế ư?”. “Phải nhanh chứ. Vì ở cái ngành này, chỉ chậm một chút là… chết. Chậm có nghĩa là sẽ bị đối thủ khác vượt qua, bỏ lại”, Khoa cười.
Hóa ra, với người đàn ông này, phải là nghĩ nhanh, đi nhanh và tiến chắc. Không thế, có lẽ không “trụ” lại được ở môi trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt của thương thường, và của cả FPT. FPT Telecom không chỉ ấp ủ các kế hoạch đầu tư vào truyền hình, đi theo chiến lược chung của Tập đoàn là xây dựng nền tảng và ứng dụng cho khách hàng trên nền tảng điện toán đám mây và hệ thống xử lý dữ liệu cỡ lớn. Chiến lược trong 5 năm tới FPT Telecom vẫn sẽ giữ vững vị trí trong top 3, sau Viettel, VNPT về cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. “Ước mơ làm di động cũng vẫn còn. Chúng tôi vẫn còn cơ hội để làm điều đó”, Khoa bảo thế.
Rất chân tình, Khoa kể, để có được thành công hôm nay, anh cũng đã phải trả giá nhiều. Thời gian cho gia đình là một ví dụ. Năm 2011, anh chỉ ở nhà trọn vẹn 60 ngày, còn năm ngoái là 27 ngày. Nhưng hạnh phúc gia đình, với anh, luôn là thành công lớn nhất của cuộc đời mình. Thành công thứ hai, đó là một sự nghiệp như trong mơ. “Nói mơ, không có nghĩa là nó đến một cách bất ngờ, mà là ngày xưa, khi bắt đầu vào làm việc ở FPT, đã mơ có một ngày như thế”.
Tôi cũng tin điều đó. Mọi người ở FPT cũng tin điều đó. Bởi Nguyễn Văn Khoa, suốt 16 năm qua, đã luôn làm việc và cống hiến không mệt mỏi cho FPT. Và vì thế, đúng như anh nói, điều anh thích nhất chính là làm việc trong ngành này, mọi thứ thay đổi thật nhanh chóng, ước mơ vì thế không bao giờ ngừng lại. Mà còn ước mơ, còn hoài bão, thì sẽ còn những thành công ở phía trước.
huongnghiep24h.net
Posted by Unknown

Niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại

Hôm qua (ngày 30/5), Quốc hội đã hoàn thành thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2013. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ sự lạc quan hơn về tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ số niềm tin kinh doanh quý 1 tăng mạnh


Thưa ông, so với hồi đầu năm, dường như ông có vẻ lạc quan hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh?
Hồi đầu năm, tôi rất lo ngại trước thực trạng nhiều doanh nghiệp (DN) có tâm lý buông xuôi, chờ thời, co cụm. Nếu tâm lý này lan rộng và trở thành xu hướng thì rất đáng lo ngại.
Bởi một khi DN - lực lượng lòng cốt để phát triển kinh tế - mà buông xuôi, thì các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, mà cụ thể ở đây là Nghị quyết 02/NQ-CP được Chính phủ ban hành từ đầu năm, sẽ chẳng đạt nhiều hiệu quả.
Song rất mừng là tâm lý tiêu cực trên đã giảm, thậm chí tôi còn thấy niềm tin của DN đối với thị trường, đối với các giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra và đang thực hiện từng bước bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại.
Căn cứ vào đâu mà ông cho rằng, niềm tin của DN có dấu hiệu quay trở lại?
Trong tháng 5, cả nước có hơn 7.200 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng, cho dù giảm 11% về số DN và 25% về vốn đăng ký so với tháng 4, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, số DN thành lập mới vẫn tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2012.
Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm, số DN đăng ký mới tăng so với cùng kỳ năm 2012.
Cũng trong tháng 5 này, cả nước chỉ có 570 DN giải thể và 3.020 DN ngừng hoạt động, giảm theo mức tương ứng 27% và 15% so với tháng trước. Bên cạnh đó, trong vòng 30 ngày vừa qua, đã có thêm hơn 500 DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại thị trường, nâng tổng số DN quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay lên con số 8.792.
Cho dù số DN thành lập mới và hoạt động trở lại chưa nhiều, nhưng là dấu hiệu đáng mừng cho thấy, bước đầu, niềm tin của DN đã quay trở lại.
Dẫu sao thì những con số trên chưa nói lên nhiều điều, thưa ông?
Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào số DN thành lập mới; DN giải thể, phá sản; DN quay trở lại hoạt động thì quả thật cũng chưa nói lên nhiều điều. Song nếu phân tích kỹ thì mới thấy số liệu trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, số DN thành lập mới 3 tháng đầu năm giảm tới 14%, so với cùng kỳ năm 2012, thì đến 4 tháng đầu năm chỉ còn giảm không đáng kể (1,2%) và đến 5 tháng đầu năm số DN thành lập mới đã tăng gần 5% so với cùng kỳ. Tương tự, số DN tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm cao hơn 26% so với cùng kỳ năm 2012, thì đến 4 tháng đầu năm cao hơn gần 17%, nhưng đến 5 tháng đầu năm, số DN tạm ngừng hoạt động chỉ còn cao hơn 13% so với cùng kỳø năm 2012.
Nhưng số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 5 bắt đầu giảm so với 4 tháng đầu năm?
Theo số liệu Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 này, thì trong 4 tháng đầu năm nay, có 8.300 DN tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã hoạt động trở lại, tức là bình quân mỗi tháng có hơn 2.000 DN quay trở lại hoạt động, gấp khoảng 4 lần so với số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 5. Một điều đáng mừng là, số DN công nghiệp chế biến, chế tạo quay trở lại hoạt động khá lớn.
Như vậy có thể nói, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường mà Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP đã bắt đầu phát huy hiệu quả?
Những giải pháp mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP trên thực tế là nhằm mục tiêu vực dậy niềm tin của DN vào thị trường, vào sự điều hành của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương. Tôi nhấn mạnh rằng, các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP rất đúng, rất trúng, rất kịp thời, rất đồng bộ, nhưng trong 2-3 tháng đầu năm triển khai hơi chậm, khiến niềm tin của DN có phần lung lay.
Việc triển khai chậm Nghị quyết 02/NQ-CP cũng có nguyên nhân khách quan là gần như cả tháng 2 hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ngưng trệ do rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Rất mừng, việc triển khai các giải pháp đặt ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP đã bắt đầu được thực hiện kể từ tháng 3, nên niềm tin của DN đã được cải thiện, dù chưa nhiều, nhưng cũng góp phần tạo nên hy vọng mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng còn lại của năm 2013, năm 2014 và 2015 để có thể hy vọng vào việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.
Tôi muốn nói thêm rằng, niềm tin của DN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mới chỉ bắt đầu quay trở lại, chưa tạo ra cú hích, chưa tạo ra sự chuyển biến tích cực ở mức độ đột phá.
Để tiếp tục khôi phục, củng cố niềm tin cho DN, theo tôi, từ nay đến cuối năm không cần phải đặt ra các chính sách gì mới nữa, thay vào đó phải triển khai quyết liệt, đồng bộ tất cả các giải pháp đã được đặt ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP. - Tham khảo thêm: huongnghiep24h.net
Posted by Unknown

Nguy cơ “thua trên sân nhà” vì hạn mức chi phí tiếp thị

Phiên thảo luận tại Quốc hội hôm 29/5 về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đã ghi nhận nhiều tiếng nói đề nghị bỏ hạn mức tiếp thị quảng cáo, cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Không nên “một mình một chợ”


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết cơ bản tán thành việc nâng mức khống chế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới từ 10% lên 15%, tuy nhiên có “ba đề nghị”.

Thứ nhất, cần quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, quy định mức khống chế được trừ theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo để tránh sự phức tạp trong tính toán, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.

Thứ ba, bổ sung quy định về tỷ lệ khống chế đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù, các mặt hàng độc quyền, không cần phải chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị như điện, xăng dầu, kinh doanh nước sạch.

“Việc quy định chung tỷ lệ khống chế quảng cáo của các mặt hàng độc quyền với các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có tính cạnh tranh sẽ không đảm bảo tính công bằng”, bà nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đồng tình với nâng từ 10 lên 15%, tuy nhiên ông nhận thấy vẫn chưa hợp lý bởi vì nếu quy định 15% với doanh nghiệp lớn thì đủ nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập thì vẫn không đủ.

“Tôi đề nghị sửa theo hướng theo tỷ lệ % mà chúng ta sản xuất kinh doanh, % theo doanh thu, tính tỷ lệ % thì hợp lý hơn. Nếu chúng ta ấn định 15% thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ chi phí. Hướng tương lai của thế giới là người ta bỏ cái này, doanh nghiệp tự quyết định", đại biểu Thuyền nói.

Đáng chú ý là những ý kiến đến từ các đại biểu - doanh nhân, những người cảm nhận rõ nhất về những vướng mắc do quy định khống chế hạn mức hiện hành.

Theo đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là “một bước tiến sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp từ khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời”.

Tuy nhiên, ông Tín không cho rằng việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. Doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

“Thực tế những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều. Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này”, ông Tín nói.

Giải pháp dung hòa

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng hiểu rằng việc bỏ ngay quy định này là một thử thách khó vượt qua, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm hiện nay. Chính vì vậy, họ đề nghị có giải pháp dung hòa là áp tỷ lệ hạn chế trên % doanh thu thay vì % trên chi phí hợp lý.

Đại biểu - doanh nhân Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước áp dụng khống chế tỷ lệ phần trăm trên doanh nghiệp là Trung Quốc và Lithuania. Nếu khống chế tỷ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp, vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta.

“Doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà, bởi chính những quy định của chúng ta”, vị đại biểu đang điều hành một hãng bia, nơi cần chi lớn cho tiếp thị quảng cáo hàng năm, nói.

Cũng từ góc nhìn doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng trên thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, sản phẩm cũng khác nhau nên nhu cầu về quảng cáo, tiếp thị cũng hoàn toàn không giống nhau, chẳng hạn kinh doanh bia, mỹ phẩm sẽ có chi phí quảng cáo khác với sản xuất đồ tiêu dùng, thực phẩm.

Việc quy định một tỷ lệ chung cho các ngành hàng, theo bà Hường, không những bất cập trên thực tế mà còn kiềm chế việc bán hàng và kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác chi phí được trừ chỉ đến cuối năm hay quý 1 của năm sau doanh nghiệp mới có thể biết được chính xác bao nhiêu. Do đó doanh nghiệp cũng không tính được kế hoạch chi quảng cáo cụ thể.

“Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét để có thể điều chỉnh chi phí quảng cáo hoa hồng để tính trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, thay vì tính trên tổng số chi phí được trừ như dự thảo luật để đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp”, bà Hường nói.

Một đại biểu doanh nhân khác, ông Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng nên quy định về chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới theo tỷ lệ % trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo luật để đảm bảo tính minh bạch, dễ hạch toán.
Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013
Posted by Unknown

Doanh nghiệp FDI có cơ hội thoát “án treo” phạm luật

Không chỉ là việc chỉnh sửa “kỹ thuật” thuần túy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp có thể xem là một thái độ cầu thị, trước những đòi hỏi từ thực tiễn.

“Thở phào”

Theo dự thảo Luật sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, khoản 2 điều 170 được sửa đổi theo đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, có quyền thực hiện đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp tổ chức quản lý và hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không quy định tại giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp điều chỉnh, bổ sung giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung đối với những nội dung điều chỉnh, bổ sung.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các vấn đề phát sinh kể từ ngày hết hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư cho đến thời điểm đăng ký lại doanh nghiệp.

Nếu thay đổi này trở thành thực tế, hàng loạt doanh nghiệp FDI sẽ “thở phào” vì thoát khỏi cái “án treo” phạm luật vẫn lơ lửng trên đầu lâu nay, dẫn đến nguy cơ phải chấm dứt hoạt động, giải thể.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 1/7/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại theo quy định của điểm a, khoản 2; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại theo quy định của điểm b, khoản 2.

Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng 446.000 người. Đến nay, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại giấy phép đầu tư nhưng muốn đăng ký lại để tiếp tục hoạt động; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong giấy phép đầu tư nhưng muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Trong số này có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam trong những năm đầu đổi mới, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội như tạo việc làm, nộp ngân sách…, và có nhu cầu được tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Tạo ra tiền lệ?

Việc trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp được xem là động thái cầu thị của Chính phủ trước một quy định không hợp lý. Tuy nhiên, hiện cũng có những ý kiến nói rằng việc sửa luật sẽ tạo ra tiền lệ không tốt trong tiến trình hoàn thiện pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng việc các doanh nghiệp FDI không thực hiện đăng ký lại trong thời hạn quy định của pháp luật, dù đã được gia hạn hai lần, đã thể hiện một thái độ “nhờn” quy định pháp luật.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong quá trình chuẩn bị cho việc sửa đổi, một số ý kiến cho rằng nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật. Mặt khác, dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, do vậy, chưa cần thiết phải sửa đổi riêng điều 170 của Luật này.

Những lo lắng về việc sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong tiến trình làm luật là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để nhìn lại quá trình xây dựng các luật khi còn ở giai đoạn dự thảo.

Trao đổi với VnEconomy gần đây, một chuyên gia luật hàng đầu về đầu tư nước ngoài nói ngay từ thời điểm soạn Luật Doanh nghiệp 2005, đã có những ý kiến nói không cần thiết quy định vấn đề này trong luật để trong tương lai tránh được chuyện "thả gà ra đuổi".

Về nội dung sửa đổi khoản 2, điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành về nội dung sửa đổi như đã nêu, tuy nhiên một số ý kiến khác đề nghị cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của giấy phép đầu tư.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, tại khoản 2, điều 11 Luật Đầu tư đã có quy định này, do vậy không nên quy định lại trong Luật sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng thì cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ và đề nghị không bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố đối với những trường hợp này.

Bên cạnh đó, có những ý kiến đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Posted by Unknown

Popular Post

Blogger templates

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Phía Sau Thành Công -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -